• ANT Consulting

    Thứ Ba, 6 tháng 8, 2019

    Chuyển Giá Trong Kinh Doanh

    Đối với mỗi doanh nghiệp, vấn đề làm thế nào để tối đa hóa lợi nhuận trong một môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt là vấn đề sống còn. Chuyển giá được xem như là biện pháp giúp tối đa hóa lợi nhuận, với nguyên tắc cơ bản là giúp doanh nghiệp giảm nghĩa vụ thuế, từ đó lợi nhuận sau thuế sẽ gia tăng.

    Chuyển giá xuất phát từ quyền tự do định đoạt trong kinh doanh. Theo đó, các chủ thể có quyền quyết định giá cả của một giao dịch, có quyền mua hay bán hàng hóa, dịch vụ với giá họ mong muốn. Về mặt lý thuyết, chuyển giá là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn hay nhóm liên kết không theo giá thị trường mà theo một mức giá thỏa thuận khác nhằm tối thiểu hóa số thuế của các tập đoàn hay của nhóm liên kết. Để thực hiện được các mục tiêu chuyển giá, doanh nghiệp thực hiện chuyển giá thông qua việc định giá khi nhập khẩu máy móc, thiết bị,… hay kê khai giá nguyên liệu đầu vào rất cao và kê khai giá bán thấp đồng thời tìm mọi cách khai tăng các chi phí khác (chi phí quảng cáo, khuyến mại) nhằm triệt tiêu lợi nhuận. Pháp luật luôn có quy định tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cho các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là cách để các doanh nghiệp tránh thuế thu nhập doanh nghiệp tại nơi đăng ký hoạt động.
    Để thực hiện chuyển giá cần có sự liên kết giữa các doanh nghiệp, công ty với nhau, dễ dàng nhất là các công ty con đặt tại nhiều nước khác nhau của một tập đoàn đa quốc gia. Do đó, chuyển giá thường hay được thực hiện trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài –  chủ thể hiện diện nhiều ở nhiều quốc gia, và việc các quốc gia khác nhau sẽ có các chính sách thuế khác nhau, dẫn đến mức thuế suất áp dụng cho thuế thu nhập doanh nghiệp là khác nhau. Họ lợi dụng sự khác biệt thuế suất giữa các quốc gia, khu vực để trốn thuế. Tại Việt Nam thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, tại Mỹ là 35%,… nhưng nhiều quốc gia khác như Panama, Hàn Quốc, Macau, Saint Lucia, Samoa, Tunisia,… là những thiên đường về thuế khi mức thuế thu nhập doanh nghiệp rất thấp hoặc thậm chí là 0%. Các doanh nghiệp này tự dàn xếp giá với nhau thông qua các giao dịch liên kết theo một trong những hình thức được đề cập như sau:
    – Các doanh nghiệp nằm ở khu vực chịu thuế cao ký kết các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu, chuyển giao công nghệ, cung cấp dịch vụ… với vai trò là người mua, người sử dụng dịch vụ với các doanh nghiệp ở khu vực chịu thuế thấp. Bằng cách này, các doanh nghiệp ở khu vực có mức thuế cao luôn trong tình trạng lãi ít hoặc không có lãi để không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh thu sẽ được đẩy về các doanh nghiệp ở khu vực có mức thuế thấp.
    – Hoặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lựa chọn một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp để làm địa điểm đặt trụ sở doanh nghiệp sau đó đầu tư vào Việt Nam. Công ty tại Việt Nam sẽ bán sản phẩm cho công ty mẹ tại các quốc gia này với giá bằng giá gốc để tránh nộp thuế tại Việt Nam. Sau đó, bên mua sẽ bán lại cho bên thứ ba thu lãi. Do thuế thu nhập doanh nghiệp tại những quốc gia nơi nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào Việt Nam bằng 0%, hoặc ở mức rất thấp, nên doanh nghiệp không phải đóng thuế hoặc đóng thuế rất thấp.
    Đây là những hành vi phổ biến nhất. Bởi với lợi thế nắm giữ phần vốn lớn tại các doanh nghiệp Việt Nam, bên liên kết nước ngoài có quyền định đoạt giá chuyển giao hàng hóa, nguyên liệu để chuyển được nhiều lợi nhuận trước thuế ra nước ngoài.
    Chuyển giá hướng đến mục tiêu nhằm tối đa hóa lợi nhuận ở quốc gia đánh thuế thấp và tối thiểu hóa lợi nhuận ở những quốc gia đánh thuế cao. Thông qua các giao dịch liên kết này, các công ty trong nhóm cùng giảm được tổng nghĩa vụ thuế trên phạm vi toàn cầu, tăng được lợi nhuận sau thuế. Những doanh nghiệp sở hữu nhiều bản quyền sở hữu trí tuệ, như công nghệ hay dược phẩm, càng có cơ hội tiến hành chuyển giá vì việc định giá những giá trị phi vật chất này rất chủ quan và không có một tiêu chuẩn chung nào để định giá. Cách nhìn nhận khá phổ biến tại Việt Nam về chuyển giá là công cụ trốn thuế và hành vi vi phạm pháp luật. Hiện nay, vấn đề chuyển giá được điều chỉnh bởi Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và Thông tư 41/2017/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

    Facebook

    Youtube