• ANT Consulting

    Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

    Lợi ích của hòa giải thương mại

    Lợi ích của hòa giải thương mại là gì?

    Quá trình hội nhập với nền kinh tế thị trường đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ tạo ra ngày càng nhiều cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, hợp tác với quốc tế. Cùng với đó, việc phát sinh tranh chấp là việc không thể tránh khỏi. Với những ưu điểm, đặc biệt là việc bảo mật thông tin theo thỏa thuận của các bên, hòa giải thương mại là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thay thế đang ngày càng được các doanh nghiệp ưa chuộng.
    Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định 22/2017/NĐ-CP ngày 24 tháng 2 năm 2017. Theo đó, việc hòa giải thương mại được các bên thỏa thuận trước, sau hoặc tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình giải quyết tranh chấp. Phương thức này được dùng để giải quyết giữa các bên trong đó có ít nhất một bên hoạt động thương mại hoặc tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại. Bên cạnh đó, việc tham gia hòa giải của các bên là hoàn toàn tự nguyện và các thông tin về hòa giải sẽ được giữ bí mật theo thỏa thuận của các bên, miễn là các nội dung thỏa thuận không vi phạm điều cấm của pháp luật.
    Hòa giải thương mại đang dần trở thành một phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến vì thủ tục đơn giản, linh hoạt, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên đương sự. Các bên có cơ hội lựa chọn một quy trình phù hợp, tránh các thủ tục pháp lý phức tạp. Quy định về việc các bên có quyền tự định đoạt, lựa chọn bất kỳ người nào làm trung gian hòa giải cũng như địa điểm tiến hành hòa giải giúp các bên có thể chọn được một trung gian hòa giải có hiểu biết chuyên môn về vấn đề tranh chấp. Ngoài ra, khi tham gia hòa giải, với tinh thần thiện chí và hợp tác, các bên cũng dễ đạt được thỏa thuận một cách nhanh chóng. Các bên vẫn có thể tiếp tục giữ gìn và phát triển mối quan hệ hợp tác vì lợi ích của hai bên. Nghị định cũng quy định các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
    Luật quy định hai bên có thể tự do lựa chọn hòa giải viên thương mại để giải quyết tranh chấp của mình. Theo Nghị đinh 22/2017/NĐ-CP, hòa giải viên thương mại bao gồm hòa giải viên thương mại vụ việc và hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại được các bên lựa chọn hoặc được tổ chức hòa giải thương mại chỉ định theo đề nghị của các bên để hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này. Một người là hòa giải viên thương mại phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 7 của Nghị định này. Ngoài các quy định chung về năng lực dân sự theo quy định tại Bộ luật dân sự, hòa giải viên phải có trình độ đại học trở lên và có 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực được đào tạo, có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật về vấn đề có liên quan. Thay vì đưa vụ việc của mình ra Tòa án, các bên không thể lường trước được kết quả, thậm chí là không thể giải quyết được, việc lựa chọn một hòa giải viên thương mại có hiểu biết sâu về vấn đề tranh chấp và bề dày kinh nghiệm giúp các bên giải quyết tranh chấp một cách thuận lợi và nhanh chóng.
    Nếu được thực hiện với tinh thần thiện chí, giải quyết các vụ việc bằng hòa giải luôn đem lại hiệu quả cao hơn. Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định thời hạn giải quyết những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án có thể mất nhiều năm. Trong khi đó, với việc lựa chọn hòa giải, các bên sẽ mất ít thời gian hơn để giải quyết tranh chấp. Hơn nữa, tranh chấp chắc chắn sẽ được giải quyết bởi sự thỏa thuận của các bên bởi trong quá trình hòa giải, với sự hỗ trợ của hòa giải viên, các bên sẽ có cơ hội được đưa ra quyết định của mình về phương án giải quyết tranh chấp, qua đó cũng tiết kiệm được chi phí đáng kể cho các bên.
    Một ưu điểm nữa của phương thức hòa giải là các bên tự quyết định việc giải quyết tranh chấp và có thể biết trước kết quả. Đây là ưu thế nổi trội của phương thức hòa giải so với các phương thức giải quyết tranh chấp khác, vốn khó lường trước được kết quả. Quan trọng là, hòa giải là một quá trình không công khai nên trong quá trình hòa giải tên của các bên tranh chấp không bị tiết lộ ra công chúng, tránh nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh của các bên.
    Theo Dịch vụ tư vấn môi trường đầu tư của Ngân hàng thế giới, Hướng dẫn của Trung tâm giải quyết tranh chấp thay thế: Hướng dẫn cho các học viên về Thành lập và Quản lý các trung tâm giải quyết tranh chấp thay thế (ADR), giải quyết tranh chấp bằng hòa giải mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả các tổ chức kinh tế. Đối với cá nhân, hòa giải làm giảm nhu cầu thực thi thủ tục tố tụng để đảm bảo một bên tuân thủ theo thỏa thuận, vì các bên tham gia giải quyết thoả thuận đồng ý. Đối với các khu vực kinh tế tư nhân, hòa giải giúp tạo ra một môi trường tốt hơn cho hoạt động kinh doanh. Nó làm giảm chi phí trực tiếp và gián tiếp mà các doanh nghiệp phải gánh chịu trong việc thực thi các hợp đồng và giải quyết các tranh chấp.
    Hãy liên hệ công ty luật ANT Lawyers qua hòm thư điện tử luatsu@antlawyers.com hoặc gọi số Hotline để được tư vấn.

    Facebook

    Youtube